KHẢO-LUẬN

 

 

II.
BINH-KHÍ CỔ-TRUYỀN

 

2 - Binh-Khí Sắc-Bén

 

 

ĐAO

 

  

 

 

« Đơn-Đao »
單刀

     

 

 

 

 

 

       « Ðao » (刀) thuộc về loại Binh-Khí Sắc Bén, có lưỡi bản rộng hơi cong và gồm có « Ðơn Ðao » (單 刀) và « Song Ðao » (双 刀).

       « Ðơn-Ðao » được chia ra nhiều loại : « Trường-Đao » (長 刀), « Ðoản-Ðao » (短 刀) và « Yêu-Ðao » (腰 刀) :

                  A) - Loại « Trường-Đao » (長 刀) gồm có Ba thứ :

                     1 - Khi Lưỡi Ðao được tra cán dài hơn gấp đôi lưỡi Đao, thì được người Việt gọi là « Giáo-Đao » hoặc gọi theo người Trung-Hoa là « Phác Ðao » (Pu Dao 撲 刀).
                      Đó là một loại binh-khí bản rộng, rất thông-dụng trong Bộ-binh Đại-Việt thủa xưa, mà ngày nay chúng ta vẫn còn thường thấy minh-họa trên những tranh-ảnh và những tấm sơn-mài.
                      Naginata của Nhật-Bản là một loại Phác-Ðao gắn lưỡi bản hẹp.

Tượng-Binh dùng « Giáo-Đao »
có Ngạnh sắc bén.
Triều Nhà LÊ - (1428-1527 CL.)

 

                     2 - Khi lưỡi Đao được tra cán ngắn bằng tầm lưỡi Đao để Kỵ-binh sử-dụng thì được gọi đó là « Ðoản-Bính Trường-Ðao » (短 柄 長 刀) ; đó là « Loại Song-Thủ Trường-Đao bản rộng » thường được sử-dụng bằng hai tay nhiều hơn bằng một tay.
                     Dưới thời Nhà Minh (1368 - 1644), họ gọi là « Hổ-Đầu Đao » (虎 頭 刀) hay « Hổ-Nha Đao » (虎 牙刀).

Kị-Binh dùng « Hổ-Đầu Đao » (虎 頭 刀) còn được gọi là « Hổ-Nha Đao » (虎 牙刀).
Thời Triều MINH (MING - 1368 - 1644)

(Tín-dụng ảnh : Thomas CHEN)

 

                     3 - Khi lưỡi Đao được tra cán ngắn hơn tầm lưỡi Đao thì được gọi là « Trường-Ðao » ( 長 刀). Loại Trường-Đao này có Lưỡi bản hẹp và gồm có Hai thứ :
                     α) - Thứ « Đơn-Thủ Trường Đao bản hẹp » để Chiến-binh sử-dụng sử-dụng bằng một tay nhiều hơn bằng hai tay ;  đó là thường được sử-dụng dưới Thời Hậu-LÊ (1427 - 1789) và Chúa TRỊNH (1545 - 1787).

« Trường-Ðao - Gươm » ( 長 刀) Đại-Việt
Thời Nhà Hậu-LÊ (1427 - 1789) và Chúa TRỊNH (1545 - 1787)

(Tín-dụng ảnh : Nguyễn Ngọc Phương Đông)


                     β) - Thứ « Song-Thủ Trường Đao bản hẹp » để Chiến-binh sử-dụng bằng hai tay nhiều hơn bằng một tay  ;  đó là loại « Gươm ĐẠI-VIỆT » dùng theo « Song-Thủ Kiếm ». Thứ Gươm này được sử-dụng từ Thời Nhà Hậu-LÊ (1427~1789) & Chúa TRỊNH (1545~1787) và còn được sử-dụng dưới Thời Nhà NGUYỄN (1802~1945). Nó cũng từng đã được sử-dụng bởi Nghĩa-Binh của Tướng Mai-Xuân-Thưởng đất Bình-Định và những Đội Nữ-Binh của Bà « Beo Gấm Miền Nam », phu-nhân của Tướng « Năm Lửa » trong Thời-kỳ chống Quân Pháp đô-hộ.

Song-Thủ « Trường-Ðao - Gươm » ( 長 刀) Đại-Việt
Thời Hậu-LÊ (1427 - 1789) và Chúa TRỊNH (1545 - 1787)

(Tín-dụng ảnh : Nguyễn Ngọc Phương Đông)


Song-Thủ « Trường-Ðao - Gươm » ( 長 刀) Đại-Việt
Thời Nhà NGUYỄN (1802 - 1945)

 

             B) - « Ðoản-Ðao » (短 刀), thì đó là một trong những loại binh-khí đã được rạng danh trong binh-đội của nghĩa-quân Nhà Tây-Sơn (1788-1802) qua cuộc chiến-thắng quân Mãn-Thanh.

«  Đoản-Đao 腰 刀 » bằng Thép với một Cạnh Bén của Đại-Việt.
(Thế-Kỷ 18~19)


                 C) - « Yêu-Ðao » (腰 刀) là loại Đao người ta đeo bên hông có gắn lưỡi bản hẹp và cong. « Sabre » của Âu-Châu và Cận-Ðông là một loại Yêu-Ðao.


« Yêu-Ðao - Gươm » ( 刀)
Đại-Việt - Thế-Kỷ 18~19

(Tín-dụng ảnh : Gavin Nugent, swordsantiqueweapons.com)



« Yêu-Đao - Gươm » ( 刀)
Đại-Việt - Thế-Kỷ 18~19.

 

«  Yêu-Đao 腰 刀 » bằng Thép với một Cạnh Bén và Chuôi hình Khoen của Trung-Hoa.
(Trung-Hoa - Phục-chế để tập-luyện tại các Võ-Đường)

(Tín-dụng ảnh : Wing Lam Enterprises)


       Ngày nay vẫn còn có nhiều môn-sinh lẫn-lộn giữa « Đao 刀», « Ðại-Ðao 大 刀» và « Mã-Tấu ».

       - Ðao là một loại Gươm, có một bề bén, thuộc về loại « Yêu-Ðao » (腰 刀) và được dùng theo Đơn-Thủ Đao.

      - Khi Đao có lưỡi bản rộng thì được gọi là Ðại-Ðao (大 刀) và cũng được dùng theo Đơn-Thủ Đao. Hiện nay vẫn còn có người Việt nhầm lẫn gọi « Siêu-Ðao » (超 刀) là Ðại-Ðao (大 刀) theo lối các Trường-Phái Võ-Thuật Trung-Hoa thường gọi.

       - Mã-Tấu thuộc về loại « Trường-Đao » (長 刀), có lưỡi bản rộng hơn và cân-lượng nặng hơn Ðao ; cán dài khoäng 40 cm tới 60 cm. Đó là loại binh-khí phôi-thai từ « Hổ-Đầu Đao » (虎 頭 刀). Mã-Tấu được sử-dụng bằng một tay hoặc bằng hai tay, trong khi Đao chỉ được sử-dụng bằng một tay.
       Khi xưa người Trung-Hoa dùng loại Ðao bản rộng này để đánh trên ngựa nên gọi là « Mã-Đao » (馬 刀), người Việt-Nam đọc trại ra là « Mã-Tấu » ; về sau này, Mã-Tấu được sử-dụng đánh dưới đất và còn được gọi là «Trảm-Mã Đao» (斬 馬 刀).
       « Hoàn-Đao » (環 刀), « Bối-Ðao » (背 刀), « Quỷ-Ðầu-Ðao » (鬼 頭 刀), v.v. của Trung-Hoa đều thuộc về loại Binh-Khí Sắc Bén gọi là "Mã-Tấu".

 

(Còn Tiếp...)

     

Ban Võ-Sư Hệ-Phái
VÕ-TRẬN ĐẠI-VIỆT
Bình-Định Sa-Long-Cương
FRANCE

TRỊNH Quang Thắng

 

 

 

     

 

Trở lại Trang KHẢO-LUẬN
Binh-Khí Sắc Bén

 

 

Copyright © 2004 - 2018 by ACFDV - All rights reserved.